Thông tin chuyển đổi hóa đơn sang thông tư 78 đầy đủ nhất

Thay đổi hóa đơn điện tử theo thông tư 78 đang là chủ đề được rất nhiều chủ doanh nghiệp cũng như Kế toán quan tâm. Rất nhiều những thay đổi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, hãy cùng Topa.vn tìm hiểu các vấn đề thay đổi khi áp dụng hóa đơn điện tử theo thông tư 78.

Thay đổi hóa đơn điện tử theo thông tư 78

NHỮNG THAY ĐỔI KHI ÁP DỤNG HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ THEO THÔNG TƯ 78

Thông tin thay đổi hóa đơn điện tử thông tư 78

1. Đối tượng, phạm vi áp dụng hóa đơn, chứng từ: thực hiện theo chương X Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

2. Ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử (Điều 3)

– Người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được quyền ủy nhiệm cho bên thứ ba (là bên có quan hệ liên kết với người bán, là đối tượng đủ điều kiện sử dụng hoá đơn điện tử và không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử) lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hoá, dịch vụ.

– Hóa đơn điện tử ủy nhiệm phải thể hiện tên, địa chỉ, mã số thuế của bên ủy nhiệm và tên, địa chỉ, mã số thuế của bên nhận ủy nhiệm và phải đúng thực tế phát sinh.

– Việc ủy nhiệm phải được lập bằng văn bản (hợp đồng hoặc thỏa thuận) giữa hai bên và phải thể hiện đầy đủ các thông tin theo quy định.

– Việc ủy nhiệm được xác định là thay đổi thông tin đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử do đó bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm phải thông báo cho cơ quan thuế theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

– Trách nhiệm của bên ủy nhiệm và bên lập ủy nhiệm:

+ Khi thực hiện ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử: các bên phải niêm yết trên website của đơn vị mình hoặc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người mua được biết;

+ Khi hết thời hạn ủy nhiệm hoặc chấm dứt trước thời hạn ủy nhiệm lập hoá đơn điện tử theo thỏa thuận giữa các bên thì hai bên hủy các niêm yết, thông báo trên website của đơn vị mình hoặc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về việc ủy nhiệm lập hóa đơn;

+ Trường hợp hóa đơn ủy nhiệm là hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế thì bên ủy nhiệm phải chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ để chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

3. Ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử, ký hiệu hóa đơn điện tử (Điều 4)

– Ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử là ký tự có một chữ số tự nhiên là các số tự nhiên 1, 2, 3, 4, 5, 6 để phản ánh loại hóa đơn điện tử như: Hóa đơn điện tử giá trị gia tăng; Hóa đơn điện tử bán hàng; Hóa đơn điện tử bán tài sản công; Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia; Hóa đơn điện tử khác là tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử hoặc các chứng từ điện tử có tên gọi khác nhưng có nội dung của hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP; Các chứng từ điện tử được sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý điện tử.

– Ký hiệu hóa đơn điện tử là nhóm 6 ký tự gồm cả chữ viết và chữ số thể hiện ký hiệu hóa đơn điện tử để phản ánh các thông tin sau:

+ Ký tự đầu tiên là một (01) chữ cái được quy định là C hoặc K như sau: C thể hiện hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, K thể hiện hóa đơn điện tử không có mã;

+ Hai ký tự tiếp theo là hai (02) chữ số Ả rập thể hiện năm lập hóa đơn điện tử được xác định theo 2 chữ số cuối của năm dương lịch.

+  Một ký tự tiếp theo là một (01) chữ cái được quy định là T, D, L, M, N, B, G, H thể hiện loại hóa đơn điện tử được sử dụng.

+  Hai ký tự cuối là chữ viết do người bán tự xác định căn cứ theo nhu cầu quản lý. Trường hợp người bán sử dụng nhiều mẫu hóa đơn điện tử trong cùng một loại hóa đơn thì sử dụng hai ký tự cuối nêu trên để phân biệt các mẫu hóa đơn khác nhau trong cùng một loại hóa đơn. Trường hợp không có nhu cầu quản lý thì để là YY.

4. Chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế (Điều 5)

– Người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn điện tử không có mã nếu có nhu cầu chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì thực hiện thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

– Người nộp thuế thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã nếu thuộc trường hợp được xác định rủi ro cao về thuế theo quy định tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng rủi ro trong quản lý thuế và được cơ quan thuế thông báo thì phải chuyển đổi sang áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Trong thời gian mười (10) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế phát hành thông báo, người nộp thuế phải thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử (chuyển từ sử dụng hóa đơn điện tử không có mã sang hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế) theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và thực hiện theo thông báo của cơ quan thuế. Sau 12 tháng kể từ thời điểm chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, nếu người nộp thuế có nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử không có mã thì người nộp thuế thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Quản lý thuế và quy định tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC để xem xét, quyết định.

5. Áp dụng hóa đơn điện tử đối với một số trường hợp khác (Điều 6)

–  Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã đã lập đến cơ quan thuế đối với trường hợp quy định tại điểm a.2 khoản 3 Điều 22 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Người bán sau khi lập đầy đủ các nội dung hóa đơn gửi hóa đơn điện tử cho người mua và đồng thời gửi hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế, chậm nhất là trong cùng ngày gửi cho người mua.

– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử bao gồm:

+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải sử dụng hóa đơn điện tử;

+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh;

+  Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.

– Đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng thì người bán chuyển dữ liệu hóa đơn bán xăng dầu cho cơ quan thuế trong ngày.

6. Xử lý hóa đơn điện tử, bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót trong một số trường hợp (Điều 7)

– Nguyên tắc xử lý sai sót:

+ Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải cấp lại mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có sai sót cần xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế thì người bán được lựa chọn để thông báo việc điều chỉnh cho từng hóa đơn có sai sót hoặc thông báo việc điều chỉnh cho nhiều hóa đơn điện tử có sai sót đến cơ quan thuế bất cứ thời gian nào nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế giá trị gia tăng phát sinh hóa đơn điện tử điều chỉnh;

+ Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu.

+ Sau thời hạn chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế, trường hợp thiếu dữ liệu hóa đơn điện tử tại bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế thì người bán gửi bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử bổ sung.

+ Trường hợp bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót thì người bán gửi thông tin điều chỉnh cho các thông tin đã kê khai trên bảng tổng hợp.

– Trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ sau đó có phát sinh việc hủy hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập và thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn.

– Trường hợp theo quy định hóa đơn điện tử được lập không có ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn có sai sót thì người bán chỉ thực hiện điều chỉnh mà không thực hiện hủy hoặc thay thế;

– Đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn điện tử có sai sót thì: điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh.

– Việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế liên quan các hóa đơn điện tử điều chỉnh, thay thế (bao gồm cả hóa đơn điện tử bị hủy) thực hiện theo quy định của pháp luật quản lý thuế.

7. Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế (Điều 8)

– Nguyên tắc: hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế đảm bảo quy định tại Điều 11 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

– Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) được lựa chọn sử dụng hoá đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có mã, hóa đơn điện tử không có mã.

– Nội dung hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế có các nội dung: Tên, địa chỉ, mã số thuế người bán; Thông tin người mua nếu người mua yêu cầu (mã số định danh cá nhân hoặc mã số thuế); Tên hàng hóa, dịch vụ, đơn giá, số lượng, giá thanh toán. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ phải ghi rõ giá bán chưa thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT, tiền thuế GTGT, tổng tiền thanh toán có thuế GTGT; Thời điểm lập hóa đơn; Mã của cơ quan thuế.

– Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử khởi tại từ máy tính tiền được cấp tự động, theo dải ký tự cho từng cơ sở kinh doanh khi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế và đảm bảo không trùng lắp.

8. Hiệu lực thi hành (Điều 11)

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư 78/2021/TT-BTC và của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP từ tháng 11/2021 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Hóa đơn điện tử áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh kể từ ngày 01/7/2022.

9. Xử lý chuyển tiếp (Điều 12)

– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử không có mã hoặc đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày Thông tư này được ban hành thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn đang sử dụng kể từ ngày Thông tư này được ban hành đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022 và thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ.

Từ ngày Thông tư này được ban hành đến hết ngày 30/6/2022, đối với các địa bàn đã đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để triển khai hóa đơn điện tử theo Quyết định của Bộ Tài chính trên cơ sở đề nghị của Tổng cục Thuế thì cơ sở kinh doanh trên địa bàn có trách nhiệm chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử quy định tại Thông tư này theo lộ trình thông báo của cơ quan thuế.

– Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian từ ngày Thông tư này được ban hành đến hết ngày 30/6/2022, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018, Thông tư số 68/2019/TT-BTC và Thông tư này thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

– Việc sử dụng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 37/2010/TT-BTC ngày 18/3/2010 của Bộ Tài chính (và văn bản sửa đổi, bổ sung) và Quyết định số 102/2008/QĐ-BTC ngày 12/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đến hết ngày 30/6/2022.

– Kể từ thời điểm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và quy định tại Thông tư 78/2021/TT-BTC, nếu phát hiện hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính mà hóa đơn này có sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới (hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã) thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”. Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn đã lập có sai sót để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã) hoặc người bán gửi cơ quan thuế để được cấp mã cho hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế)

Thông tin thay đổi hóa đơn điện tử thông tư 78

THỜI HẠN ÁP DỤNG CHUYỂN ĐỔI HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ THEO THÔNG TƯ 78

Tại Khoản 1, Điều 11 về hiệu lực thi hành của Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định:
“Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư này và của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.”
Mặc dù thời hạn bắt buộc 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử là 1/7/2022, tuy nhiên để đẩy mạnh tiến trình “phủ sóng” hóa đơn điện tử, mới đây, Tổng cục Thuế đưa ra chủ trương triển khai hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn:

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định sẽ là 06 địa phương bắt đầu thí điểm “chia tay” với hóa đơn giấy, kể từ tháng 11/2021.

Theo Công văn 10847 của Bộ Tài chính, để thực hiện hiệu quả hóa đơn điện tử theo các quy định mới, Bộ này lập kế hoạch triển khai thí điểm từ tháng 11/2021 tại 06 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định.

Hiện nay, ở tất cả các cơ quan Thuế đang chạy tiến độ rất mạnh để xử lý việc này, vì vậy Doanh nghiệp cần chú ý email, điện thoại để cán bộ thuế có thể liên lạc và hỗ trợ.

Như vậy, các doanh nghiệp tại các 06 tỉnh, thành phố nêu trên cần đặc biệt lưu ý về việc thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử từ tháng 11/2021 theo quy định của Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC.Trên cả nước, từ ngày 01/7/2022, hóa đơn điện tử chính thức được áp dụng. 

QUY TRÌNH CHUYỂN ĐỔI HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ CỦA DOANH NGHIỆP

Các doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế thực hiện đăng ký theo mẫu tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. theo các bước sau:

Bước 1: Kiểm tra thông tin tài khoản và liên hệ

  • Kiểm tra thông tin tài khoản thuế
  • Kiểm tra thông tin liên hệ trên thuế điện tử để chắc chắn cán bộ thuế có thể gửi email đúng người liên lạc

Bước 2: Đăng ký phát hành. Bước này gồm nhiều công đoạn

  • Truy cập vào Cổng hóa đơn điện tử Tổng cục Thuế (tại hoadondientu.gdt.gov.vn) và điền các thông tin tại Tờ khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử bao gồm: tên người nộp thuế, mã số thuế, cơ quan thuế quản lý, người liên hệ, địa chỉ liên hệ, điện thoại liên hệ, thư liên hệ.
  • Tích lựa chọn hình thức hóa đơn có mã hoặc không có mã: Có mã của cơ quan thuế; Không có mã của cơ quan thuế
  • Tích lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử có mã phải trả tiền dịch vụ hay không phải trả tiền dịch vụ, lựa chọn phương thức chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử
  • Lựa chọn loại hóa đơn sử dụng Hóa đơn GTGT; Hóa đơn bán hàng; Hóa đơn bán tài sản công; Hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia; Các loại hóa đơn khác; Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn.
  • Điền các danh sách chứng thư số sử dụng
  • Điền đầy đủ ngày tháng năm và ký tên người nộp thuế.
  • Sau khi đẩy tờ khai, nếu hệ thống báo chưa thành công, cần kiểm tra với nhà cung cấp hóa đơn điện tử lại các trường thông tin để xác thực lại.

Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông báo điện tử trực tiếp theo mẫu tại Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về việc tiếp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký với cơ quan thuế đối với trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Bước 3: Nhận thông báo của Thuế.

Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan thuế có trách nhiệm gửi thông báo điện tử theo Mẫu số 01/TB-ĐKĐT Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cho doanh nghiệp về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Các dữ liệu bao gồm :

  • Cấp thông tin tài khoản sử dụng tra cứu HĐĐT trên cổng thông tin điện tử của TCT ( Tài khoản dùng để truy cập vào trang: hoadondientu.gdt.gov.vn)

Trong đó, với trường hợp được chấp nhận, doanh nghiệp tiến hành xuất hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP; trường hợp không được chấp nhận, doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh, bổ sung nội dung theo yêu cầu của cơ quan thuế và gửi lại theo các bước trên.

Bước 4: Thông báo hủy hóa đơn đang sử dụng ( Nếu có)

Sau khi có thông báo chấp nhận tờ khai mẫu 01/ĐKTĐ-HĐĐT, các bên đã sử dụng hóa đơn cũ sẽ thực hiện:

  • Thông báo hủy hóa đơn TB/03AC
  • Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn Quý 04/2021Lưu ý: Báo cáo tình hình SD hóa đơn Quý 04/2021 gửi ngày nào thì sẽ chọn khoảng thời gian từ 01/10 – ngày gửi tờ khai ( VD ngày 30/11 thì báo cáo từ 1/10 đến 30/11 và số tồn cuối kỳ = 0)

Bước 5: Hoàn thành chuyển đổi

Sau thông báo chấp nhận tờ khai thông báo hủy hóa đơn là doanh nghiệp được tính đã hoàn thành chuyển đổi.

Doanh nghiệp có thể thực hiện theo các bước

  • Tạo mẫu hóa đơn trên phần mềm HĐĐT: C21TYY ( YY là đối với TH DN không có nhu cầu quản lý)
  • Xuất hóa đơn bình thường

10 CÂU HỎI THƯỜNG GẶP KHI CHUYỂN ĐỔI HĐĐT SANG TT78/2021/TT-BTC.

1.THỜI ĐIỂM BẮT BUỘC phải chuyển đổi HDDT sang TT78/2021/TT-BTC là khi nào?

Trả lời: Thời điểm bắt buộc 100% doanh nghiệp chuyển sang TT78/2021/TT-BTC trên toàn quốc là 1/7/2022.

2. Những TỈNH nào BẮT BUỘC PHẢI CHUYỂN sang TT78/2021/TT-BTC trong đợt này ?

Trả lời: Những hiện tại có 6 tỉnh thành thí điểm phải hoàn thành chuyển đổi trước ngày 1/4/2022 là: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Phú Thọ – Bình Định – Thành phố Hồ Chí Minh

3. Tôi nhận được email của thuế, cán bộ thuế gọi cho tôi yêu cầu chuyển sang TT78/2021/TT-BTC thì tôi có phải chuyển ngay lập tức không?

Trả lời: Hiện tại 6 tỉnh thí điểm nói trên phải hoàn thành 100% việc chuyển đổi DN sang thông tư 78 trước ngày 1/4/2022 nên cán bộ chi cục thuế email, gọi điện VẬN ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI sang TT78/2021/TT-BTC để KỊP HOÀN THÀNH CHỈ TIÊU trước thời hạn. Vì vậy việc chuyển đổi ngay lập tức hay chỉ cần hoàn thành trước 1/4/2022 là hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của doanh nghiệp.

4. Nếu tôi không chuyển thì tôi có BỊ PHẠT không ?

Trả lời: Cho đến thời điểm hiện tại thì không có bất cứ văn bản, quy định nào về việc phạt doanh nghiệp không chuyển đổi sang sử dụng theo TT78/2021/TT-BTC ở thời điểm này.

5. Chuyển sang TT78/2021/TT-BTC thì 100% DN phải sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế có đúng không ?

Trả lời: Hiện tại cơ quan thuế mong muốn càng nhiều doanh nghiệp sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế thì càng tốt tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng phải sử dụng hóa đơncó mã của cơ quan thuế. Các doanh nghiệp thỏa mãn điều kiện theo khoản 2 điều 91 luật quản lý thuế số 38/2019 có thể lựa chọn sử dụng hóa đơn KHÔNG CÓ MÃ.Tuy nhiện thời điểm đầu triển khai này nếu đăng ký không có mã là cơ quan thuế không duyệt cho sử dụng theo TT78/2021/TT-BTC mà bắt DN phải đăng ký hóa đơn có mã của cơ quan thuế.

6. Phân biệt hóa đơn có mã và không có mã của cơ qua thuế ?

– Hóa đơn có mã của cơ quan thuế là hóa đơn sau khi xuất sẽ gửi lên thuế và PHẢI được cơ quan thuế cấp 1 mã gồm 34 ký tự kèm trong hóa đơn thì mới được gửi cho người mua.

– Hóa đơn KHÔNG có mã của cơ quan thuế là hóa đơn sau khi xuất thì dữ liệu cũng sẽ được gửi lên cơ quan thuế nhưng có thể gửi ngay cho người mua KHÔNG cần chờ đợi.

7. Chuyển sang TT78/2021/TT-BTC rồi có phải hủy hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử theo thông tư 32 không ?

Trả lời: Sau khi thực hiện chuyển đổi sang TT78/2021/TT-BTC và ĐƯỢC cơ quan thuế chấp nhận cho sử dụng theo TT78 thì doanh nghiệp sẽ có từ 15 – 30 ngày để thực hiện việc hủy hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử theo TT32/2011/TT-BT TRƯỚC khi xuất theo TT78/2021/TT-BTC.

8. Chuyển sang TT78/2021/TT-BTC thì dữ liệu hóa đơn truyền lên thuế như thế nào ?

– Phương thức truyền đẩy đủ:mặc định mỗi khi ký phát hành (xuất) hóa đơn thì dữ liệu của hóa đơn đó ngay lập tức được truyền lên thuế tại thời điểm phát hành.

– Phướng thức truyền bảng tổng hợp: cuối ngày doanh nghiệp gửi bảng tổng hợp dữ liệu xuất hóa đơn trong ngày lên cho cơ quan thuế. Lưu ý: phương thức này chỉ áp dụng đối với 1 số ngành nghề đặc thù và phải sử dụng loại hóa đơn KHÔNG CÓ MÃ được quy định tại điểm a.1 khoản 3 điều 22 nghị định 123/2020/NĐ-CP

“a.1) Phương thức chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử theo Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử theo Mẫu số 01/TH-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này cùng thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các trường hợp sau:

– Cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực: bưu chính viễn thông, bảo hiểm, tài chính ngân hàng, vận tải hàng không, chứng khoán.

– Bán hàng hóa là điện, nước sạch nếu có thông tin về mã khách hàng hoặc mã số thuế của khách hàng.”

>> Xem thêm thông tin về Giải pháp Kế toán TOPA

Chat Zalo với tư vấn viên TOPA Chat Facebook với tư vấn viên TOPA